(1) Nxb Khoa học xã hội, 2004, Phần chữ Hán, tr. 93,94.

I.Tra cứu thư tịch.

1/ Sách “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch, khi viết về núi Đại Hải có đoạn:

“大海山…東距魚海可五六十里其間為真祿縣地皆沙土蓋上古桑鹵變移故此山有大海之名

山南下為台峰在蔡老社是西山阮岳祖貫岳自言其四世祖流寓于歸仁府符離縣西山寨” (1)

Phiên âm: “Đại Hải sơn… Đông cự Ngư Hải khả ngũ lục lý. Kỳ gian vi Chân Lộc huyện địa, giai sa thổ. Cái thượng cổ tang lỗ biến di. Cố thử sơn hữu Đại Hải chi danh. Nam sơn hạ vi Thai phong, tại Thái Lão xã thị Tây Sơn Nguyễn Nhạc tổ quán. Nhạc tự ngôn, kỳ tứ thế tổ lưu ngụ vu Quy Nhơn phủ, Phù Ly huyện, Tây Sơn trại…”. Dịch nghĩa: “Núi Đại Hải… cách biển Ngư năm sáu mươi dặm về phía đông. Khoảng giữa là đất huyện Nghi Lộc, toàn là do cát bồi. Ngày xưa chỗ ấy là biển mặn sau biến thành bãi. Cho nên núi có tên Đại Hải. Phía nam núi Đại Hải, thấp hơn là ngọn núi Thai tại xã Thái Lão, đó là tổ quán của Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc tự nói tổ 4 đời của mình di cư đến trại Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn…”.

Đây là tư liệu rất đáng tin cậy, vì Tiến sỹ Bùi Dương Lịch (1757-1828) chỉ kém Nguyễn Huệ, em Nguyễn Nhạc có bốn tuổi. Từng làm quan dưới triều Vua Quang Trung, và triều Nguyễn. Cuốn “Nghệ An ký” được biên soạn khi Bùi Dương Lịch làm Đốc học Nghệ An, khoảng từ năm 1805 – 1808, lúc Vua Gia Long mới lên ngôi. Chắc chắn ông biết rõ tổ quán của Nguyễn Huệ ở xã Thái Lão.

2/ Sách “An Tĩnh cổ lục” của Le Breton, nguyên Đốc học Trường Quốc học Vinh viết trong thời thuộc Pháp, ở Chương II, mục I: Những danh lam và thắng cảnh, có đoạn: “Làng Đông Thai nằm phía Nam của núi Đại Hải. Đó là cái nôi của dòng họ Tây Sơn” (2). Làng Đông Thai là ngôi làng nằm phía đông núi Thai, tên Nôm là làng Kẻ Thai, tên chữ là Thái Xá.

3/ Sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” của Đỗ Bang, có đoạn “Năm 1789, Vua Quang Trung truyền cho dân xã Thái Lão tu tạo tổ miếu để phụng tự. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ thì di tích tổ miếu ở Thái lão cũng bị triệt hạ. Hiện nay ở địa phương còn lưu lại nhiều truyền thuyết về Tổ Tây Sơn. Trong đó bài vè xã Thái lão có hai câu đầu: Xã Thái Lão phát Vương, trai anh hùng tuấn kiệt”. (3)

Tham Khảo Thêm:  Giờ Mùi là mấy giờ? Khám phá vận mệnh theo tử vi của người sinh giờ Mùi?

Hiện ở cánh đồng Khuông Ràn (địa phận làng Thái Xá cũ) còn dấu tích một ngôi miếu cổ chân núi Thai. Ông Nguyễn Quốc Phòng (sinh 1943), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo cho biết, thuở chăn trâu còn thấy dấu vết nền móng ngôi miếu cổ. Dấu tích đó đã biến mất khi đơn vị Kho Công binh đào ao nuôi cá. Duy có ngôi mộ cổ, tương truyền là mộ Cố Thông, người trông coi miếu, không có vợ con, đã được đơn vị tôn tạo đẹp đẽ.

4/ Sách “Các trấn, tổng, xã, danh bị lãm” xuất bản triều Vua Gia Long chép về huyện Hưng Nguyên, xã Thái Lão bị xóa tên trong tổng Đô Yên mà đưa vào diện các xã thôn bị phiêu bạt.

II. Nghiên cứu di sản Hán Nôm

Bản đồ Hưng Nguyên thời xưa vẽ xã Thái Lão có 3 làng là Thái Xá, Chi Nê và Tiên Linh. Di sản Hán Nôm như sắc phong, gia phả, câu đối… do các gia đình cất giữ ở 2 làng Chi Nê và Tiên Linh còn lại khá phong phú, lâu đời, chứng tỏ ở hai làng này các dòng họ, trong đó có họ Hồ, nói chung sống yên ổn qua nhiều triều đại. Riêng làng Thái Xá thì di sản Hán Nôm rất nghèo nàn và không tìm thấy một di sản nào có niên đại từ triều Vua Quang Trung về trước.

Nghiên cứu các dòng họ ở 2 xóm 4A và 4B (làngThái Xá) xã Hưng Đạo, được biết họ Ngũ (4) từ huyện Nam Đàn đến làng này sớm nhất củng chỉ cách nay dưới 200 năm nghĩa là sau triều Vua Gia Long. Tất cả các dòng họ khác đều đến muộn hơn.

III. Khảo sát truyền tụng dân gian và dấu vết lịch sử

Hiện nay ở xóm 4A và 4B xã Hưng Đạo, nằm trong địa phận làng Thái Xá cũ, có nhiều truyền tụng liên quan tổ tiên Vua Quang Trung. Bản thân những lời truyền tụng không phải là lịch sử, nhưng nó có giá trị nhất định để cũng cố chứng cứ lịch sử. Xin dẫn ra 3 trong số những truyền tụng đó.

Về làng Hữu Biệt

Khi Vua Gia Long lên ngôi đã triệt hạ làng Thái Xá, tổ quán Vua Quang Trung. Dân làng ấy bị dồn đến một khu đất mới phía tây núi Thai, thuộc địa phận huyện Nam Đàn, đặt tên là làng Hữu Biệt (có phân biệt đối xử). Lúc bấy giờ làng Hữu Biệt nắm giữa một bãi đất cao giữa một vùng chiêm trũng, quanh năm ngập nước. Cả làng chỉ có một lối ra vào, chức sắc địa phương dễ bề kiểm soát.

Nay làng Hữu Biệt thuộc xã Nam Giang huyện Nam Đàn, dấu vết làng cũ chỉ còn trong ký ức của người già. Làng Thái Xá sau khi chuyển hết dân bản địa đi nơi khác, đất đai hoang hóa, về sau dân các nơi đến khai hoang lập làng, vẫn giữ địa danh làng Thái Xá. Sách “Đồng Khánh dư địa chí lược” viết dưới triều Vua Đồng Khánh (1886 – 1888), khi viết về tổng Đô Yên lại có tên xã Thái Lão, với đủ 3 làng là Thái Xá, Chi Nê và Tiên Linh như thời Quang Trung.

Tham Khảo Thêm:  13 Biện pháp tiết kiệm điện năng đơn giản, hiệu quả

Giai thoại về mộ tổ Vua Quang Trung

Trong bài viết “Ngôi mộ tiền nhân Vua Quang Trung”(5), ông Nguyễn Văn Căn (1909 – ?) kể lại điều truyền tụng trong dân gian. Trên núi Độc Lôi, một nhánh của núi Thai có khoảnh đất phẳng chừng 2 mẫu, dân gọi là Động Bằng, tương truyền năm 1788 Vua Quang Trung, trong lần ra Bắc, có nhờ chọn huyệt để cải táng mộ Tổ trên núi Độc Lôi. Táng xong, san phẳng một vùng, đắp mộ giả và trồng gai góc để ngụy trang. Đến nay không ai biết chính xác mộ thật ở vị trí nào.

Một giai thoại khác, ông Nguyễn Chân Dờn (1928 – ?), quê làng Thái Xá, Bác sỹ quân y, nhắc lại bài thơ chữ Hán truyền tụng về huyệt mộ tổ Quang Trung ở Động Bằng trên núi Độc Lôi, phiên âm như sau: “Thai sơn vi tượng. Quyết sơn vi mã. Chung sơn vi cổ. Đụn sơn vi kỳ. Lam giang tác cán. Hồng Lĩnh sơn vi thiên binh vạn mã. Nhất đại phát tam vương.”. Nghĩa là: Núi Thai làm voi. Núi Chung làm trống. Núi Đụn làm cờ. Sông Lam làm cán. Núi Hồng Lĩnh làm ngàn vạn binh mã. Một đời phát ba Vua.

Giếng yểm

Tương truyền khi Gia Long lên ngôi Vua, sau khi triệt hạ làng Thái Xá đã cho đào 9 giếng yểm để phá long mạch làng này. Thực hư chuyện này chưa ai chứng minh được. Năm 2010, các ông Nguyễn Quốc Phòng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo, Nguyễn Minh Dân, cựu giáo chức, Nguyễn Đình Ân, cựu giáo chức chỉ ra vị trí 3 chiếc giếng lạ. Các giếng này nằm cạnh đường, trên cánh đồng Bàu Vèn, là vùng ruộng canh tác phía nam làng Thái Xá. Năm 1956, khi nạo vét 3 giếng để chống hạn, thấy cả 3 giếng đều có gỗ lim xếp chồng dưới đáy. Có một cái tên là giếng Thiêng, phía Bắc đường 46, sát khu dân cư mới vùng chợ Lò, xã Hưng Đạo. Từ xa xưa người ta đã biết gỗ lim có chất độc. Giếng ăn nước không ai lót gỗ lim xuống đáy. Phải chăng trên đây là 3 trong 9 giếng yểm mà dân gian truyền tụng ?

IV. Tổ năm đời Vua Quang Trung là Hồ Thế Viêm.

Có nhiều giả thiết về nguồn gốc tổ tiên Vua Quang Trung. Nhưng giả thiết sau được chọn đưa vào Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Anh em nhà Tây Sơn vốn dòng họ Hồ ở huyện Hưng Nguyên, dòng dõi Hồ Quý Ly. Khoảng năm 1655,

Tham Khảo Thêm:  Vay tiêu dùng MB Bank – Vay ngay không cần tài sản bảo đảm

Cố nội là Hồ Phi Long theo chân Chúa Nguyễn vào Nam. Lúc đầu vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn), cụ cưới vợ họ Đinh và sinh một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn lớn lên làm nghề buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương ở đất Phú Lạc. Do đó đổi họ của con sang họ Nguyễn. Người con trai là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn bán và làm ăn phát đạt. Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Từ điển Wikipedia không viết ai sinh ra Hồ Phi Long.

Theo gia phả họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu thì cụ Hồ Thế Anh (Phó bảng) sinh được 5 người con trai. Trưởng nam là Hồ Thế Viêm (Sinh đồ) dời nhà lên làng Nhân Lý (nay thuộc Quỳnh Hồng), sau đó lại dời vào xã Thái Lão, huyện Hưng Nguyên.

Đoạn sau đây của gia phả họ Hồ ở Quỳnh Đôi là không hợp lý: Hồ Thế Viêm sinh một con trai là Hồ Phi Khang. Hồ Phi Khang sinh 5 con trai trong đó có Hồ Phi Phúc. Hai cha con Hồ Phi Khang và Hồ Phi Phúc di cư vào Nam lập nghiệp. Hồ Phi Phúc lấy vợ họ Nguyễn sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, … Không hợp lý, bởi vì, dân Hưng Nguyên không thể tự vào Nam trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Theo Địa chí văn hóa Hưng Nguyên, khi quân chúa Nguyễn chiếm được 7 huyện nam sông Lam, từ năm1655 đến năm 1660, đã bắt một số người dân Hưng Nguyên di cư vào Nam khai hoang. Trong đó có người họ Hồ. Từ năm 1665 đến năm 1753 – năm sinh Nguyễn Huệ, cách nhau gần 90 năm. Do đó người họ Hồ vào Nam phải là Tổ bốn đời của Nguyễn Huệ, như câu trong Nghệ An ký là “Nguyễn Nhạc tự nói Tổ bốn đời của mình di cư đến trại Tây Sơn”.

Từ những tư liệu và suy luận có lý như trên có thể khẳng định Tổ năm đời của Vua Quang Trung có mộ ở làng Thái Xá, xã Thái Lão là Hồ Thế Viêm, Sinh đồ triều Lê Trung Hưng. Tổ bốn đời, con của Hồ Thế Viêm vào Nam là Hồ Phi Long hoặc Hồ Phi Khang cần xác minh thêm./.

Bài viết trích trong cuốn sách Trầm tích văn hóa Hưng Nguyên của Nhà nghiên cứu Hán Nôm Thái Huy Bích biên soạn

____________________________

(3) Nxb Thuận Hóa, 2003,tr. 7.

(4) Theo Tộc trưởng Ngũ Văn Thấn, sinh năm 1930.

(5) Xứ Nghệ với Hoàng Đế Quang Trung, Nxb Nghệ An, 2008, tr.114 .

Tin liên quan

Việc tổng hợp tin tức trên website đều được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính.

Tôn trọng bản quyền tác giả luôn là phương châm của Website tổng hợp tin tức.

© Bản quyền thuộc về tác giả và nguồn tin được trích dẫn. © pCopyright 2023. Theme Tin mới Nóng.