Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính 21/06/2021 08:38:00 62797

Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính                             21/06/2021 08:38:00                           62797

Hà Thị Đoan Trang

Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng bắt đầu từ năm 2007, trong đó cứ hai người trong độ tuổi lao động (15 – 60 tuổi) thì có một người phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi). Sau giai đoạn dân số vàng thường sẽ là giai đoạn dân số già, trong đó, thời gian chuyển tiếp giữa hai giai đoạn có sự khác nhau ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào tốc độ già hóa dân số . Việt Nam bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 (01/4/2011) khi có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên là 10,1% và người từ 65 tuổi trở lên là 7,2%.

1. Xu hướng già hóa dân số

Theo Liên hợp quốc (UN), dân số thế giới hiện nay khoảng 7,8 tỷ người và được dự báo tăng thêm khoảng 1,5 tỷ người vào năm 2050. Tuổi thọ dân số thế giới ngày càng tăng (năm 1950 tuổi thọ trung bình là 46,7 tuổi và tăng lên 71 tuổi vào năm 2020) . Hiện số người trên 65 tuổi đã vượt số trẻ em dưới 5 tuổi và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050; số người trên 80 tuổi cũng sẽ tăng gấp 3 lần lên 426 triệu người. Tuổi thọ trung bình toàn cầu được dự báo tăng lên 77,1 tuổi vào năm 2050. Do đó, già hóa dân số là một trong những xu hướng nổi bật của thế kỷ 21 đang diễn ra trên khắp thế giới với mức độ khác nhau ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực.

Hình 1. Xu hướng già hóa dân số trên thế giới

Đơn vị: Nghìn người, %

image

Nguồn: United Nations, Population Division of the Department of Economic and Social Affairs, World Population Prospects: The 2020 Revision

Hiện nay, thế giới có đến 89 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng tỷ suất sinh (TFR) dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), trong khi cách đây 50 năm chỉ có 8 quốc gia. Tỷ lệ sinh thấp là vấn đề đáng báo động tại nhiều nước, đặc biệt là tại châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Có 27 quốc gia trên thế giới suy giảm dân số từ 1% trở lên kể từ năm 2010. Trên thực tế, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm từ 3,2 con/phụ nữ vào năm 1990 xuống còn 2,5 con/phụ nữ vào năm 2019 và có xu hướng giảm mạnh đối với các nước phát triển (ví dụ Nhật Bản, TFR là 1,48 con/phụ nữ) và được dự báo còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuổi thọ gia tăng và tỷ suất sinh giảm làm cho số lượng người cao tuổi trong cơ cấu dân số ngày càng tăng, tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội trên toàn thế giới.

Hình 2. Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam

image

Nguồn: Báo cáo Hướng tới chính sách quốc già toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam (2019)

Dân số Việt Nam hiện chiếm 1,25% dân số thế giới, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ1, trong đó có khoảng 12% dân số trong độ tuổi trên 60 (có trên 1,9 triệu người trên 80 tuổi); khoảng 7,3 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 62,45%). Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 18% và đến năm 2050 đạt trên 30%.

Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014), tăng dần lên 74,5 tuổi (năm 2019), dự báo tăng lên 78 tuổi (năm 2030) và đạt 80,4 tuổi (năm 2050). Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 58,5% và 57,4%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất cả nước (28,1%) (theo Nguyễn Quốc Anh, 2019).

Những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, phụ nữ Việt Nam sinh nhiều con và nhiều hơn tỷ suất sinh thay thế cần thiết (5 – 6 con/phụ nữ). Tuy nhiên, từ những năm 80 trở lại đây, xu hướng này ngày càng giảm và thấp nhất vào năm 2005. Đến nay, mặc dù tỷ suất sinh trung bình có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đạt tỷ suất sinh cần thiết là 2,1 con/phụ nữ.

Tham Khảo Thêm:  Cách chụp màn hình Samsung SIÊU ĐƠN GIẢN chỉ trong vài giây

Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, xét về tổng tỷ suất sinh trung bình 5 năm gần đây, có 33 tỉnh có mức sinh hơn 2,2 con, 21 tỉnh có mức sinh dưới 2 con và chỉ có 9 tỉnh, thành phố có mức sinh xoay quanh mức sinh thay thế (2 – 2,2 con). Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất (Hà Tĩnh) và thấp nhất (thành phố Hồ Chí Minh) là 1,51 con2.

Việt Nam hiện tồn tại hai thực trạng về dân số, vừa trong giai đoạn dân số vàng, vừa đang trong quá trình già hóa dân số3. Do đó, đây là thời điểm tốt để Việt Nam có những chính sách hợp lý nhằm kéo dài thực trạng dân số vàng và ứng phó với xu hướng già hóa dân số.

2. Chính sách tài chính với xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam

Nhận thức được xu hướng già hóa dân số là tất yếu, từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là hệ thống trợ giúp xã hội, nhằm ứng phó với xu hướng này. Các chính sách nói chung và chính sách tài chính nói riêng đã thể hiện sự cam kết cao trong thực hiện các mục tiêu trợ giúp xã hội của Nhà nước, được thể chế hóa từ hình thức cao nhất là Hiến pháp, đến luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhằm giúp người cao tuổi có quyền được hưởng mức sống tối thiểu và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, xu hướng già hóa dân số được coi là vấn đề ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về an sinh xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã nhấn mạnh nhu cầu xây dựng các cơ chế an sinh xã hội toàn diện, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, nhằm giải quyết tốt hơn các khó khăn về kinh tế – xã hội và sức khỏe cho người cao tuổi. Chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 được tập trung vào một số ưu tiên, kể cả tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi.

Chính sách trợ giúp xã hội

Theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, các đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng mức trợ cấp là 270 nghìn đồng/tháng (có hệ số với từng đối tượng cụ thể). Thực tế cho thấy tác động của các chính sách, chương trình trợ giúp xã hội thường xuyên đối với người cao tuổi và trẻ em ở Việt Nam còn hạn chế, mức trợ cấp hiện nay thấp và không đủ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi (bằng khoảng 18% mức lương cơ sở, tương đương khoảng 4,2% GDP bình quân đầu người), kinh phí trợ giúp và độ bao phủ thấp chưa tương xứng với một nước thu nhập trung bình, trong khi trợ giúp cho người cao tuổi trên 80 tuổi ở Việt Nam là chương trình trợ giúp xã hội thường xuyên lớn nhất, thì tổng chi cho chương trình này mới chỉ đạt 0,09% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.

Chính sách thuế

Chính sách ưu đãi về thuế dành cho các tổ chức cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi là một trong những bước tạo điều kiện cho người cao tuổi có cuộc sống đầy đủ hơn, an toàn hơn… Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; trong đó quy định các hình thức ưu đãi như cho thuê cơ sở vật chất, cho thuê đất, thuế, lệ phí, ưu đãi tín dụng… Tuy nhiên, trên thực tế những quy định này chưa thực sự đi vào cuộc sống do chưa có những hướng dẫn cụ thể và thiếu cơ chế hỗ trợ phù hợp, dẫn đến sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội vào hệ thống trợ giúp xã hội chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Chính sách tín dụng

Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người cao tuổi vay vốn ưu đãi để tiến hành các hoạt động sản xuất – kinh doanh (Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú); trường hợp người cao tuổi trực tiếp sản xuất – kinh doanh có nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, được xem xét vay vốn theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm theo kế hoạch hằng năm của địa phương. Nguyên tắc, mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay, điều kiện đảm bảo tiền vay; quy trình, thủ tục vay vốn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 08/11/2019). Theo đó, mức vay được nâng tối đa đối với cơ sở sản xuất – kinh doanh lên tới 2 tỷ đồng; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất – kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn; thời hạn vay vốn tối đa lên tới 120 tháng. Bên cạnh đó, mức vay cần phải có tài sản đảm bảo tiền vay đã được nâng lên 100 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng như trước. Như vậy, người cao tuổi cũng có thể vay vốn tín dụng ưu đãi từ hai nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng người cao tuổi được hưởng chính sách này rất ít so với nhu cầu thực tế tại Việt Nam.

Tham Khảo Thêm:  Cách cập nhật iPadOS cho iPad đời cũ lên phiên bản mới nhanh nhất

3. Những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính

Việt Nam ngày càng có cách tiếp cận toàn diện nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số thông qua các chính sách tài chính dần phù hợp hơn với cơ cấu người cao tuổi đang gia tăng trong tổng dân số, trong khi tỷ suất sinh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với các chính sách tài chính như sau:

Chính sách việc làm đối với người cao tuổi trên thị trường lao động

Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60 – 69 đang tiếp tục làm việc; tỷ lệ này ở nhóm 70 – 74 tuổi giảm xuống còn khoảng 40% và ở nhóm 80 – 84 tuổi là khoảng 20%4.

Trong số những người cao tuổi còn tham gia lao động có đến 3 – 4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi… đã và đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Ngoài ra, hàng chục nghìn người cao tuổi tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy… (Nguyễn Hải Hữu, 2020). Người cao tuổi vẫn là nguồn lực cho sự phát triển, là cơ hội cho các cơ chế, chính sách nhằm thu hút, khai thác nguồn lực đó một cách hiệu quả. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa các đối tượng khác nhau của người cao tuổi như độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống…

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, trên thị trường lao động hiện nay, phần đông dân số cao tuổi không được đảm bảo thu nhập khi về già. Họ thường phải tham gia những công việc không ổn định và mức thu nhập thấp. Ở Việt Nam, trong số khoảng 60% người cao tuổi vẫn đang làm việc thì hầu hết là trong các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Người cao tuổi ở nông thôn tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn đáng kể so với người cao tuổi ở thành thị. Điều này đặt ra thách thức đối với chính sách tài chính dành cho lao động cao tuổi. Trước hết là các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ người cao tuổi có thể dễ dàng tiếp cận việc làm phù hợp với sức khỏe và năng lực (thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho người cao tuổi…). Bên cạnh đó, Nhà nước có thể ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh có lao động là người cao tuổi; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người cao tuổi, thúc đẩy cơ chế phối hợp công – tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời cần gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức nhằm khuyến khích dịch vụ này phát triển và tạo nhiều cơ hội cho người cao tuổi có cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh hơn… Ngoài ra cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa các đối tượng khác nhau của người cao tuổi như độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống… Nhìn chung, các chính sách cần hướng tới tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi nhưng không làm mất đi cơ hội làm việc cho những người trẻ

Tham Khảo Thêm:  Công thức tính diện tích hình lập phương | Cách giải bài tập từ cơ bản đến nâng cao

Chính sách hưu trí và bảo hiểm xã hội

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; trong đó, số người cao tuổi hưởng lương hưu khoảng 1,8 triệu người. Trong khi đó, áp lực đối với vấn đề đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi là phải mở rộng hệ thống trợ cấp lương hưu hiện nay, song lại cần phải giảm độ tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu xã hội hiện tại, đồng thời tăng mức trợ cấp. Theo thống kê của cơ quan bảo hiểm, hiện có trên 40% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định rõ về trách nhiệm bảo hiểm với người lao động có hợp đồng làm việc từ 1 tháng, 3 tháng trở lên và có chính sách hỗ trợ mức phí cho một số nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng.

Số lượng người cao tuổi không có lương hưu càng lớn thì càng tạo nhiều áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Số người về hưu và thời gian hưởng lương hưu gia tăng, đòi hỏi phải hình thành hệ thống lương hưu dài hạn đủ sống đang trở thành một sức ép đối với cả các nước phát triển và đang phát triển. Do đó, vấn đề đặt ra đối với các chính sách là cần tạo mọi điều kiện kéo dài thời gian lao động cho người cao tuổi, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, thích ứng với xu hướng già hóa dân số.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và UNDP (2015), Báo cáo hỗ trợ kỹ thuật cho Đề án đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội, Dự án Đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội (SAP).

2. Bùi Nghĩa (2018), Chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ.

3. Luật Người cao tuổi năm 2010.

4. Nhữ Lê Thu Hương, Ngọc Dung, Vĩnh Tùng (2014), Tăng tuổi nghỉ hưu để né vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

5. UNFPA (2012), Báo cáo tóm tắt “Già hóa trong Thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức”.

6. Viện Lão khoa (2001), Nghiên cứu tình hình sức khỏe bệnh tật của người cao tuổi tại cộng đồng.

Tiếng Anh

7. Le Duc Dung and Giang Thanh Long (2016), Gender Differences in Prevalence and Associated Factors of Multi-morbidity among Older Persons in Vietnam”, International Journal on Ageing in Developing Countries, 1(2): 113.

8. WHO (2018), Global Health Observatory (GHO) Data – Life Expectancy.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 6 tháng 3/2021

*1 Nguồn: https://danso.org/viet-nam/.

*2 Thiên Lam (2020), Báo điện tử Nhân Dân.

*3 “Già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là tình trạng dân số có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Giai đoạn “dân số già” còn gọi là giai đoạn “dân số đã già” là tình trạng dân có tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số trở lên. “Dân số siêu già” là tình trạng dân số có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 21% dân số trở lên.

*4 Theo Báo cáo chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), kết quả nghiên cứu về thực trạng tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi từ tháng 6 – 8/2020 tại các địa phương thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, 40 – 45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế.

Tin liên quan

Việc tổng hợp tin tức trên website đều được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính.

Tôn trọng bản quyền tác giả luôn là phương châm của Website tổng hợp tin tức.

© Bản quyền thuộc về tác giả và nguồn tin được trích dẫn. © pCopyright 2023. Theme Tin mới Nóng.