Đồng Nai thuộc miền nào? Vị trí địa lý Đồng Nai

Đồng Nai, nằm ở vùng Đông Nam Bộ, thuộc khu vực kinh tế quan trọng ở phía Nam Việt Nam. Tỉnh này đông dân cư và tiềm năng kinh tế phát triển đa dạng, thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều. Vậy Đồng Nai nằm ở đâu, thuộc miền nào? Tỉnh Đồng Nai có bao nhiêu huyện? Hãy cùng ACC khám phá thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây!

1. Vị trí địa lý

Đồng Nai thuộc Miền Đông Nam Bộ, với diện tích 5.903,4 km2, chiếm 1,76% tổng diện tích đất nước và 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh này thuộc danh sách các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giáp các địa phương như Bình Thuận về phía Đông, Lâm Đồng về phía Đông Bắc, Bình Dương và Bình Phước về phía Tây Bắc, Bà Rịa – Vũng Tàu về phía Nam, và thành phố Hồ Chí Minh về phía Tây.

Đồng Nai cũng nổi tiếng với hệ thống giao thông tiện lợi, bao gồm nhiều tuyến quốc lộ quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, và quốc lộ 51. Ngoài ra, tuyến đường sắt Bắc – Nam cũng chạy qua tỉnh này. Với sự gần gũi của cảng Sài Gòn và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Đồng Nai đã tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong khu vực và thúc đẩy giao thương với cả nước. Tỉnh này đóng vai trò quan trọng trong việc nối kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

2. Khí hậu Đồng Nai

​Đồng Nai nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, đất đai màu mỡ (phần lớn là đất đỏ bazan), có hai mùa tương phản nhau (mùa khô và mùa mưa). Nhiệt độ cao quanh năm là điều kiện thích hợp cho phát triển cây trồng nhiệt đới, đặc biệt là các cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. Nhiệt độ bình quân năm 2007 là: 27,4°C. Số giờ nắng trung bình trong năm 2007 là: 2.183 giờ. Lượng mưa tương đối lớn và phân bố theo vùng và theo vụ tương đối lớn khoảng 2.516 mm phân bố theo vùng và theo vụ. Độ ẩm trung bình năm 2007 là 81%. Mực nước thấp nhất sông Đồng Nai năm 2007 là: 109,57 m. Mực nước cao nhất sông Đồng Nai năm 2007: 113,52 m.

3. Đặc điểm địa hình

Tỉnh Đồng Nai có địa hình vùng đồng bằng và bình nguyên với những núi sót rải rác, có xu hướng thấp dần theo hướng Bắc Nam. Có thể phân biệt các dạng địa hình chính như sau:

Địa hình đồng bằng gồm 2 dạng chính:

Các bậc thềm sông có độ cao từ 5 đến 10 m hoặc có nơi chỉ cao từ 2 đến 5 m dọc theo các sông và tạo thành từng dải hẹp có chiều rộng thay đổi từ vài chục mét đến vài km. Địa hình trũng trên trầm tích đầm lầy biển: là những vùng đất trũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với độ cao dao động từ 0,3 đến 2 m, có chỗ thấp hơn mực nước biển, thường xuyên ngập triều, mạng lưới sông rạch chằng chịt, có rừng ngập mặn bao phủ.

  • Dạng địa đồi lượn sóng: Độ cao từ 20 đến 200 m. Bao gồm các đồi bazan, bề mặt địa hình rất phẳng, thoải, độ dốc từ 30 đến 80. Loại địa hình này chiếm diện tích rất lớn so với các dạng địa hình khác bao trùm hầu hết các khối bazan, phù sa cổ.
  • Dạng địa hình núi thấp: Bao gồm các núi sót rải rác và là phần cuối cùng của dãy Trường Sơn với độ cao thay đổi từ 200 – 800 m. Địa hình này phân bố chủ yếu ở phía Bắc của tỉnh thuộc ranh giới giữa huyện Tân Phú với tỉnh Lâm Đồng và một vài núi sót ở huyện Định Quán, Xuân Lộc. Tất cả các núi này đều có độ cao (20 – 300), đá mẹ lộ thiên thành cụm với các đá chủ yếu là granit, đá phiến sét.

4. Dân số:

Tổng dân số tỉnh Đồng Nai năm 2008 là: 2.290,2 nghìn người. Mật độ dân số của tỉnh năm 2008: 388,0 người/km2. Trong đó: Phân theo khu vực thành thị – nông thôn là: Thành thị là: 31,5%; Nông thôn là 68,5%. Tỷ lệ sinh của tỉnh trong năm 2007 là: 1,594%. Tỷ lệ chết của tỉnh trong năm 2007 là: 0,432%. Tỷ lệ tăng tự nhiên trong năm 2007 là: 1,162%.

5. Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Tỉnh Đồng Nai có quỹ đất phong phú và phì nhiêu. Có 10 nhóm đất chính. Tuy nhiên theo nguồn gốc và chất lượng đất có thể chia thành 3 nhóm chung sau:

– Các loại đất hình thành trên đá bazan: Gồm đất đá bọt, đất đen (chiếm 22,44% diện tích tự nhiên), đất đỏ (19,27%) có độ phì nhiêu cao, chiếm 39,1% diện tích tự nhiên (229.416 ha), phân bố ở phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh. Các loại đất này thích hợp cho các cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: cao su, cà phê, tiêu…

– Các loại đất hình thành trên phù sa cổ và trên đá phiến sét: như đất xám (40,05%), nâu xám, loang lổ chiếm 41,9% diện tích tự nhiên (246.380 ha), phân bố ở phí nam, đông nam của tỉnh (huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Biên Hoà, Long Thành, Nhơn Trạch). Các loại đất này thường có độ phì nhiêu kém, thích hợp cho các loại cây ngắn ngày như đậu, đỗ…một số cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày như cây điều…

– Các loại đất hình thành trên phù sa mới: như đất phù sa (4,76%), đất cát. Phân bố chủ yếu ven các sông như sông Đồng Nai, La Ngà. Chất lượng đất tốt, thích hợp với nhiều loại cây trồng như cây lương thực, hoa màu, rau quả…

b. Tài nguyên rừng

Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, có tài nguyên động thực vật phong phú đa dạng, tiêu biểu là vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Năm 1976, tỷ lệ che phủ của rừng còn 47,8% diện tích tự nhiên, năm 1981 còn 21,5% . Đến 30 tháng 6 năm 2004, độ che phủ rừng là 26,05% tổng diện tích tự nhiên, có khu bảo tồn thiên nhiên vườn quốc gia Nam Cát Tiên, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Với việc triển khai thực hiện chương trình trồng rừng và quy hoạch này, có thể dự báo tỷ lệ che phủ (bao gồm cả cây công nghiệp dài ngày) sẽ tăng lên đạt 45 – 50% trong thời kỳ đến năm 2010. Diện tích các loại rừng: Rừng đặc dụng 82.795,5 ha; rừng phòng hộ 44.144,2 ha; rừng sản xuất 26.646,3 ha; trong đó rừng tự nhiên lần lượt là 80.520,4 ha; 21.366,8 ha; 8.406,4ha.

c. Tài nguyên khoáng sản

Kim loại: Vàng: Đến nay đã phát hiện 17 mỏ, điểm quặng và khoáng hoá. Tập trung chủ yếu ở phía bắc Tỉnh. Có 2 mỏ nhỏ ở Hiếu Liêm và Vĩnh An rất có triển vọng; Thiếc: Chỉ gặp dưới dạng vành phân tán khoáng vật. Các vành này có diện rộng nhưng hàm lượng thấp không có ý nghĩa tìm kiếm. Tập trung ở núi Chứa Chan, Suối Rét, Suối Sao, và sông Gia Ray; Chì

Kẽm đa kim: Được phát hiện ở núi Chứa Chan.

Phi kim như: Kao lin, sét màu, đá vôi, đá xây dựng và ốp lát, cát xây dựng, cát san lấp, Keramzit, Laterit.

Đá quý và bán quý: Quy mô nhỏ, không có triển vọng khai thác công nghiệp.

d. Tài nguyên nước

– Nước mặt: Tỉnh Đồng Nai có mật độ sông suối khoảng 0,5 km/km2, song phân phối không đều. Phần lớn sông suối tập trung ở phía Bắc và dọc theo sông Đồng Nai về hướng Tây Nam. Tổng lượng nước dồi dào 16,82 x 109 m3/năm, trong đó mùa mưa chiếm 80%, mùa khô 20%.

+ Sông Đồng Nai: Sông Đồng Nai chảy vào tỉnh Đồng Nai ở bậc địa hình thứ 3 và là vùng trung lưu của sông.+ Sông La Ngà: Đoạn sông La Ngà chảy trong tỉnh Đồng Nai dài 55 km, khúc khuỷu, nhiều ghềnh thác (ví dụ: thác Trời cao trên 5 m). Đoạn này sông La Ngà hẹp, có nhiều nhánh đổ vào, điển hình là suối Gia Huynh và suối Tam Bung. Sông La Ngà đổ vào hồ Trị An một lượng nước khoảng 4,5×109 m3/năm, chiếm 1/3 tổng lượng nước hồ, mô đun dòng chảy năm 351/s km2.+ Sông Lá Buông: Bắt nguồn từ phía Tây cao nguyên Xuân Lộc, chảy theo hướng từ Đông sang Tây. Sông có lượng nước dồi dào so với các sông nhỏ trong tỉnh với tổng lượng nước trung bình 0,23 x 109 m3/năm, mô đun dòng chảy năm 27,61/s km2.+ Sông Ray: Lưu vực sông chiếm gần 1/3 diện tích phía Nam của tỉnh. Tổng lượng nước sông khá lớn 0,634 x 109 m3/năm trong đó mùa mưa chiếm 79%. Sông Ray nếu được sử dụng hợp lý có thể giải quyết vấn đề khô cạn cho vùng Đông Nam của tỉnh.+ Sông Xoài và sông Thị Vải: Đây là 2 sông thuộc vùng phía Tây Nam của tỉnh, bắt nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc và đổ thẳng ra biển.

Tham Khảo Thêm:  Tổng hợp top 20 ảnh trai đẹp Việt Nam hot nhất mọi thời đại

– Nước ngầm: Tổng trữ lượng nước dưới đất của tỉnh Đồng Nai là khoảng 5.505.226 m3/ngày: Trữ lượng nước tĩnh của toàn tỉnh Đồng Nai là 793.379 m3/ngày; Trữ lượng động khoảng 4.714.847 m3/ngày là toàn bộ dòng mặt vào mùa khô và là giới hạn dưới của trữ lượng nước dưới đất. Tuy trữ lượng nước dưới đất tỉnh Đồng Nai phong phú, nhưng phân bố không đều, các tháng mùa khô không có mưa, nhu cầu khai thác lại lớn, vì vậy khai thác nước dưới đất phải theo qui hoạch khai thác hợp lý.

e. Tài nguyên thủy sản:

Đồng Nai phát triển thuỷ sản chủ yếu dựa vào hệ thống hồ đập và sông ngòi. Trong đó, có hồ Trị An diện tích 323 km2 và trên 60 sông, kênh rạch, rất thuận lợi cho việc phát triển một số thủy sản như: cá nuôi bè, tôm nuôi…​

6. Danh lam thắng cảnh:

a. Về du lịch văn hóa – lịch sử

+ Mộ cổ Hàng Gòn:

Năm 1910, người Pháp lập đồn điền cao su, phá rừng và phát hiện ra Mộ cổ Hàng Gòn. Kích thước ngôi mộ dài 4,20 m; ngang 2,70 m; cao 1,60 m; ghép bằng sáu phiến đá hoa cương lớn, nặng không dưới 50 tấn. Mộ cổ Hàng Gòn có kích thước to lớn khác thường nên còn gọi là mộ cự thạch (cự: to lớn; thạch: đá).

Theo các nhà khảo cổ, ngôi mộ có cách đây khoảng 2.000 năm và loại đá làm mộ chỉ có ở Đà Lạt hoặc Phan Rang. Năm 1992, Nhà bảo tàng Đồng Nai trùng tu ngôi mộ cự thạch Hàng Gòn để bảo tồn di sản văn hóa, cũng trong năm này Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận và xếp hạng đây là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

+ Cù Lao Phố:

Năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người xin cư trú tại việt Nam và được Chúa Nguyễn chấp thuận cho vào đất Đông Phố (nay là Cù Lao Phố) khẩn hoang. Khi đến Cù Lao Phố, Ông đã cùng người dân địa phương xây dựng nơi đây thành thương cảng lớn. Thế nhưng cuộc chiến năm 1776 giữa Tây Sơn và Nguyễn ánh đã tàn phá đi kiến trúc phong quang của Cù Lao phố, nay không còn dấu vết. Thời kỳ hoàng kim của Cù Lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mạng của đô thị cổ, một thương cảng sầm uất nhất phương Nam.

Từ sau ngày giải phóng, người dân Cù Lao Phố đã biến cải vùng đất này thành vựa lúa lớn của Biên Hòa. ở Cù Lao Phố hiện nay còn 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 ngôi đình, 3 ngôi miếu. Có thể nói Cù Lao Phố còn tồn tại nhiều dạng hình thức tín ngưỡng, tạo thành một cơ cấu đan xen hòa trộn lẫn nhau.

+ Chùa Đại Giác:

Chùa Đại Giác nằm trên địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), là một trong ba ngôi chùa cổ nhất ở Biên Hòa, được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hai ngôi chùa còn lại là chùa Long Thiền (Nhơn Trạch) và chùa Bửu Phong (Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long). Chùa có kiến trúc hình chữ đinh, diện tích khoảng 1.000m2 gồm 3 phần chính: chánh điện, giảng đường và nhà trù.

Chùa Đại Giác được dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII bởi nhà sư Thành Đẳng – một trong số những đệ tử của tổ sư Nguyên Thiều phái Lâm Tế (gốc Quảng Đông -Trung Quốc).

+ Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh:

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố).

Năm 1968, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai. Ông đã đặt tên cho đất mới là phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, chia phủ ra làm 2 huyện: Phước Long và Gia Định, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, lập bộ đinh bộ điền và chiêu mộ lưu dân từ Ngũ Quảng vào Đồng Nai.

Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa Đồng Nai trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngày 16/05 và ngày 11/01 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ đế công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương nam.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một di tích lịch sử – văn hóa đã được nhà nước xếp hạng

+ Di tích lịch sử Chùa Ông:

Chùa Ông thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), thành phố Biên Hòa, cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh chỉ khoảng 100 mét. Trước đây Chùa là Miếu Quan Đế, ngày nay có tên chữ là Thất Phủ Cổ Miếu. Đây là ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam bộ (khoảng năm 1684).

+ Trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long:

Chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hoà 6 km, Khu du lịch Bửu Long và hồ Long Ẩn như một bức tranh thu nhỏ của vịnh Hạ Long: các vách đá soi bóng trên mặt nước hồ trong xanh tạo ra một quang cảnh hấp dẫn của thiên nhiên mỹ lệ: núi cao, hồ rộng, hài hoà với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại.

Cạnh hồ là hai ngọn núi thấp, trên núi Bửu Long có chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm thấp thoáng sau cây bồ đề lớn; có Thiên Hậu Miếu cổ kính; có hang đá Long Sơn Thạch Ðộng hình dạng giống hàm ếch với nhiều nhũ đá rủ xuống đầy vẻ huyền bí. Trung tâm Văn Hoá Du Lịch Bủu Long và chùa cổ Bửu Phong là hai di tích xếp hạng quốc gia.

+ Văn miếu Trấn Biên:

Năm 1715, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) để xây dựng Văn miếu Trấn Biên, có vai trò như một trung tâm văn hóa – giáo dục của vùng đất này. Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở Nam Bộ.

Năm 2002, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại trên nền Văn miếu xưa thuộc phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3km, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long. Văn miếu ngày nay là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa Việt Nam và Nam Bộ, bảo tồn và ghi danh các đơn vị, cá nhân có thành tích cao, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa và lễ hội dân tộc.

+ Toà nhà lầu của ông phủ Võ Hà Thanh:

Qua cổng chính Khu du lịch Bửu Long (đường 24), du khách sẽ đến được nhà ông phủ Thanh – tòa nhà nổi tiếng được xây dựng cách nay hơn ba phần tư thế kỷ theo lối kiến trúc Pháp.

Tòa nhà được xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố Biên Hòa và là tư gia lớn nhất tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ, với vật liệu xây dựng toàn bộ đặt mua từ Pháp được chở về bằng tàu biển.

+ Đền thờ nguyễn Tri Phương:

Nguyễn Tri Phương là một dũng tướng mưu trí thao lược cuối thế kỷ 19, cũng là người có công trong việc lập đồn điền, khai hoang lập ấp ớ các tỉnh Nam Bộ. Sau khi ông mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng, nhân dân Biên Hòa đã xây ngôi đền thờ tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên (nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa). Đền đã được Bộ Văn hoá, Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992. Hàng năm vào trung tuần tháng 10 âm lịch, tại đền có tổ chức lễ Kỳ Yên kéo dài trong ba ngày với nhiều nghi thức cổ truyền. Nhân dân ở các nơi gần xa đều đến tham dự đông đảo.

+ Đền Hùng:

Đền Hùng Vương ở Bình Đa là nơi thờ vọng Quốc tổ Hùng Vương. Đền toạ lạc bên quốc lộ 15, thuộc khu phố 3, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa. Đền được xây dựng từ năm 1968, hoàn thành năm 1971, do 14 vị trưởng lão xã Tam Hiệp vận động nhân dân trong vùng đóng góp xây dựng. Ngoài việc thờ vọng Quốc tổ Hùng Vương, đền còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trưởng lão đã có công khai dựng đền.

Lễ chính tức ngày Giỗ tổ Hùng Vương được cử hành vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài ra, đền còn tế lễ vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chủ tịch (19/5).

Tham Khảo Thêm:  8 Phương cách ứng tiền Viettel từ 5k, 10k, 20k, 50k, 100k khi gặp khó khăn, đơn giản

+ Nhà lao Tân Hiệp:

Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, đi theo Quốc lộ 1 khoảng 3 km về phía Bắc, sẽ thấy Nhà lao Tân Hiệp. Nhà lao thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, nay được gọi là Trung tâm Cải huấn Biên Hòa.

Tại đây, chiều chủ nhật ngày 02/12/1956, khi tiếng kẻng vang lên để lính gác tháp đổi phiên, các tù nhân – Đảng viên Cộng sản đã chia nhau chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, điện thoại, kho súng và khống chế Giám đốc trại, các giám thị, yểm trợ cho hơn 400 cán bộ, đảng viên nổi dậy chạy thoát ra ngoài, trong đó có một số Đảng viên sau này giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và nhà nước Việt Nam.

+ Di tích nhà xanh:

Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, theo Quốc lộ 15 tới ngã ba Máy Cưa, rẽ tay phải khoảng 500 m, du khách sẽ tới Nhà Xanh, nơi trước đây là Sở chỉ huy Tiểu khu Biên Hòa của thực dân Pháp.

Khuôn viên Nhà Xanh rộng hơn 1ha, xây dựng theo lối biệt thự Pháp gồm hai tầng, cấu trúc các tầng đều giống nhau, nóc nhà lợp ngói vảy cá, xung quanh là các trại lính canh gác chặt chẽ ngày đêm. Tại đây, ngày 7/7/1959, đã diễn ra trận đánh gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới. Phân đội đặc công Việt Nam chỉ gồm 5 người đã tập kích vào Nhà Xanh chớp nhoáng và bất ngờ, làm chết 2 cố vấn Mỹ và một số sĩ quan bị thương (ở Mỹ, tại Đài tưởng niệm binh sĩ Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam, đây là hai sĩ quan có tên đứng đầu trong danh sách).

Nhà Xanh được Bộ Văn hoá, Thông tin công nhận là di tích quốc gia năm 1986.

+ Đình Tân Lân:

Đình Tân Lân tọa lạc giữa vùng dân cư đông đúc, trên đường Nguyễn Văn Trị, thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa. Đình đã được Bộ Văn hoá, Thông tin công nhận là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Sau hai lần dời chuyển, ngôi đình có vị trí như hiện nay. Hàng năm, vào ngày giỗ Trần Thượng Xuyên, nhân dân tổ chức rất lớn theo các nghi thức cổ truyền.

+ Đền thờ Đoàn Văn Cự:

Đền thờ thuộc địa phận phường Tam Hiệp, bên quốc lộ 15 được xây dựng năm 1956, có diện tích khoảng 3.000 m2. Đền là nơi nhân dân tôn thờ Đoàn Văn Cự – thủ lĩnh hội kín “Thiên Địa Hội” ở Biên Hòa và 16 nghĩa binh đã tử trận trong cuộc tấn công của Pháp vào Bưng Kiệu năm 1905. Hằng năm, vào ngày 08 tháng 04 âm lịch, nhân dân địa phương làm lễ giỗ rất long trọng để tưởng nhớ hùng khí Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã xả thân vì nước.

Đền được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2002.

+ Làng bến gỗ:

Từ ngã ba vũng Tàu đi theo Quốc lộ 51 gần 4 km du khách sẽ đặt chân tới một vùng văn hóa trên dưới ba trăm năm tuổi : đó là làng cổ Bến Gỗ.

Làng Cổ Bến Gỗ bao gồm các xã An Hòa, Long Hưng, một phần xã Phước Tân (huyện Long Thành) và phường Long Bình Tân (Biên Hòa) ngày nay. Các nhà khảo cổ nghiên cứu phát hiện Bến Gỗ chứa nhiều di vật của các cư dân, tộc người sinh sống trước đây khoảng 2.000 năm vào thời đại đồ đồng. Đình An Hòa được xếp hạng di tích lịch sử và là niềm tự hào của xã Long Hưng. Nhà thờ Bến gỗ xây dựng năm 1932, là loại nhà thờ sớm nhất thành phố Biên Hòa. Bến Gỗ nổi tiếng về đua thuyền từ đầu thế kỷ 19. Thuyền làm bằng gỗ nhẹ dài 16 mét, rộng 1,6 mét.

+ Chiến khu rừng sát và đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch:

Rừng Sác là một vùng rừng ngập mặn hàng ngàn km vuông nằm ở phía Đông Nam tỉnh Đồng Nai, thuộc địa phận các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, ăn thông một dải với rừng Sác Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh). Vùng Rừng Sác trở thành căn cứ địa cách mạng ngay từ những năm đầu tiên kháng Pháp. 625 liệt sĩ Đoàn 10 và 1.400 liệt sĩ của 12 xã huyện Nhơn Trạch đã ngã xuống tại chiến trường sôi động ác liệt này. Để tưởng nhớ công ơn và chiến tích anh hùng của cha anh, Đền thờ Liệt sĩ Nhơn Trạch được xây dựng tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, nơi cửa ngõ bước vào chiến khu Rừng sác năm xưa.

+ Di tích căn cứ khu ủy miền đông (chiến khu D):

Thuộc địa phận Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu. Chiến khu Đ là căn cứ kháng chiến nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam.

Chiến khu Đ là nơi ra đời kỹ thuật đặc công và lực lượng đặc công đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày nay trong phạm vi chiến khu Đ có 3 di tích lịch sử : địa đạo Suối Linh, Căn cứ Khu ủy Miền Đông và là nơi thành lập đầu tiên Trung ương cục Miền Nam (1961).

Ngày nay, di tích Chiến Khu Đ là di tích quốc gia, là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống cách mạng kiên cường của người Đồng Nai và của cả Miền Đông Nam Bộ.

b. Về du lịch sinh thái:

+ Vườn quốc gia Cát Tiên:

Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc, là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận là khu sinh quyển của thế giới. Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới. Vườn quốc gia Cát Tiên nằm ở khu vực có toạ độ từ 11°21′ tới 11°48′ vĩ bắc, và từ 107°10′ tới 107°34′ kinh đông, trên địa bàn của ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước với tổng diện tích là 73.878 ha.

Cát Tiên cũng là đô thị tôn giáo của Vương quốc cổ Phù Nam (thế kỷ thứ hai sau Công nguyên) với nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng. Nơi đây là một bảo tàng tự nhiên có ý nghĩa quốc tế về khoa học và văn hóa, là nơi còn lưu giữ hệ động thực vật của rừng nhiệt đới cực kỳ quí giá.

Thực vật có 636 loài thuộc 411 chi của 192 họ, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Về động vật, có 208 loài chim, 57 loài thú, 10 loại bò sát, 121 loài côn trùng và rất nhiều loài quý hiếm đang được quan tâm bảo vệ như báo gấm, báo hoa mai, sói đỏ, sóc bay, vộc ngũ sắc, tê giác một sừng, bò tót, gấu chó, hạc cổ trắng, công xanh.

+ Đá ba chồng:

Đá Ba Chồng nằm giữa khu vực dân cư sầm uất của huyện Định Quán, cạnh Quốc lộ 20. Sau hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng, ba lần ngâm mình dưới biển khi biển tràn vào, chứng kiến hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động dữ dội, Đá Ba Chồng như ba tảng đá xếp chồng lên nhau khá chênh vênh vẫn đứng đó, tạo ra một cảnh quan hùng vĩ.

Cạnh đá Ba Chồng là hai quả núi Bạch Tượng hình dáng giống như đôi voi phục. Trên đỉnh núi là tượng Phật Thích Ca cao hơn 20 m ngự trên đài sen. Dưới chân núi Bạch Tượng còn có hang sâu và chùa Thiện Chơn, đối diện là Hòn Dĩa, xa hơn một chút là hòn Sư Tử. Đá Ba Chồng thuộc nền văn hóa Óc Eo – Phù Nam ở thềm cao nguyên Đông Nam Bộ, đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin xếp hạng năm 1988.

+ Khu du lịch Thác Mai – hồ nước nóng:

Bắt nguồn từ cao nguyên Langbiang, sông La Ngà uốn lượn qua nhiều vùng đồi núi chập chùng, vượt bao ghềnh bãi, để rồi hòa vào dòng nước con sông lớn Đồng Nai. Thác Mai là một trong những thắng cảnh của sông La Ngà trên con đường hợp dòng gian nan ấy.

Trong địa phận Lâm trường Tân Phú, trên đường vào thác Mai còn có suối Đá Bàn, nơi lưu dấu vết bàn tay người khổng lồ gắn liền với chuyện tình kể về dũng sĩ Knhút nghĩa hiệp của dân tộc Mạ . Bàu nước nóng thiên nhiên gần đó, với nhiệt độ từ 50°C đến 60°C, trữ lượng lớn, rất có lợi cho sức khỏe con người.

+ Thác Ba Giọt:

Điểm du lịch sinh thái Thác Ba Giọt nằm trên sông La Ngà, cách Quốc lộ 20 gần 8 km, thuộc xã Phú Vinh, huyện Định Quán, là một vùng có địa hình đẹp, diện tích khoảng 20 km với các khu vực vui chơi giải trí trên mặt hồ và sông nước.

Tham Khảo Thêm:  Điện thoại iPhone X Cũ

Vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đẹp và môi trường cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, Thác Ba Giọt đang chờ đợi đầu tư để trở thành Khu du lịch sinh thái lý tưởng.

+ Hồ Đa Tôn:

Hồ Đa Tôn thuộc xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, là điểm du lịch sinh thái với quần thể núi đồi, ghềnh thác hữu tình. Đến với Hồ Đa Tôn, du khách có thể đi thuyền máy trên sông, thưởng thức các món ăn đặc sản, cắm trại hay pichnic.

+ Khu du lịch núi Chứa Chan:

Từ thành phố Biên Hòa theo quốc lộ 1 lên hướng bắc gần 80 km, du khách sẽ đến với núi Chứa Chan ở thị trấn Gia Ray – huyện Xuân Lộc.

Núi Chứa Chan cao 837 m với Chùa Bửu Quang (thường gọi là chùa Gia Lào) trên gần đỉnh núi là điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Vào các dịp lễ, tết số người hành hương về đây lên đến hàng ngàn, tạo bầu không khí náo nhiệt của ngày lễ hội.

Chùa Bửu Quang được xây dựng từ đầu thế kỳ XX, với chánh điện mái vòm, toạ lạc trên một hang đá có dáng Hàm Rồng. Suối Tiên trong vắt, nước chảy róc rách quanh năm và cây đa ba gốc thần bí ở lưng chừng núi như minh chứng thêm cho các huyền tích được truyền từ bao đời của vùng sơn cước này. Núi Chứa Chan ngày nay còn lưu lại nhiều dấu tích hoạt động cách mạng qua hai cuộc kháng chiến của người Đồng Nai, vì đây là căn cứ kháng chiến của huyện Xuân Lộc và chùa Bửu Hưng từng là căn cứ hậu cần, nơi trú đóng của nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc chiến tranh giải phóng

+ Huyền thoại Thác Trị An:

Thác Trị An nằm cách thành phố Biên Hòa 30 km theo đường 24, có bề ngang rộng 300 m với dòng chảy xiết giữa đôi vách đá xám phủ cây xanh rậm rạp.

Vào mùa khô, những tảng đá to lộ ra gần như có thể lội bộ từ bờ này sang bờ khác; nhưng vào mùa mưa, thác xoáy gầm thét, bọt nước phủ đầy sóng cuốn theo dòng các thân cây nguyên vẹn bứng ở ven bờ. Thác Trị An hùng vĩ giữa thiên nhiên nhưng lại gắn liền với một huyền thoại diễm tình truyền từ bao đời nay.

7. Lễ hội truyền thống:

+ Tết Nguyên Đán nhằm ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch, là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi “khai thiên lập địa” đã tiềm tàng nhiều giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng…

Ngày Tết, mọi người trang hoàng nhà cửa, treo tranh, trưng bày hoa quả, rước tổ tiên về cùng ăn Tết. Hoa Mai ở Đồng Nai là loại hoa không thể thiếu trong mọi nhà ngày đầu năm.

Tết, trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bánh trái cũng không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh thành Nam Bộ gồm dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Ngày Tết, người Đồng Nai cũng còn duy trì các mỹ tục cổ truyền như khai bút, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ…

+ Rằm tháng Bảy theo tín ngưỡng là ngày xá tội vong nhân, nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở âm phủ ngày này đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.

+ Tết Trung thu như tên gọi đến với mọi nhà vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng Tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em. Một loại bánh đặc biệt thơm ngon chỉ được sản xuất và bày bán trong dịp này gọi là bánh trung thu. Trẻ em đón tết Trung Thu có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao… sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi thành từng đoàn ca hát vui vẻ ngoài đường, ngoài ngõ, cùng với những đám múa lân, múa Ông Địa với tiếng trống, tiếng thanh la náo nhiệt.

8. Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:

+ Canh chua Nam Bộ

Thực ra con người Nam Bộ cũng chẳng khác nơi đâu. Thực phẩm thiên nhiên cũng như miền Bắc miền Trung, cung hạt thóc lá rau, con cá con tôm miếng thịt, cách thức chế biến cũng của ông bà tổ tiên để lại. Cái khác nhau chỉ là đặc điểm địa lý và thời tiết một vùng cực nam quanh năm nắng nóng, nhiều sông ngòi kênh rạch, nên mới có thêm những món ăn đặc sắc đậm đà hương vị miền Nam có thể nói hợp với khẩu vị của bất cứ ai..

+ Mắm kho

Món mắm theo phương pháp cổ đại của người Khơ Me làm mắm kho rất ngon. Cá lóc loại to nấu lấy nước canh loãng làm nước kèn, mắm ăn với rau dừa nước, rau muống, bông súng hoặc với thân chuối non, hoa chuối thái mỏng, ăn mắm kèm với khế, xoài xanh, chuối chát với ớt tươi rau thơm và một chút đường trộn lẫn.

+ Món gỏi

Món gỏi rau dút với phần đọt non tước bỏ lá chẻ đôi, trần qua nước sôi cho tái bớt rồi trộn với tôm bạc đất, thịt ba chỉ, mực khô thái sợi cùng với hành tây, giấm đường ăn kèm cùng bánh phồng tôm, chấm nước mắm chua ngọt thì chẳng thứ gỏi rau nào vượt nổi. Cái giòn, cái đậm đà đầy đủ vị đặc trưng của thứ gỏi vừa cổ truyền vừa hiện đại này.

Món gỏi đậu rồng nhai cứ sừn sựt, mùi hăng hoà cùng vị thơm nồng của tỏi ớt chắc là cũng được xếp hạng thứ hai sau gỏi khác. Lại còn món gỏi kèo bóp thấu gồm củ cải trắng, củ cải đỏ bào mỏng trộn với cá kèo nướng xé sợi, cũng là món có vị chua chua ngọt ngọt cay nồng dùng làm món nhắm thực là tuyệt diệu.

+ Món tôm bạc đất nướng cọng dừa ngon nhất vào lúc lúa gần chín. Tôm mập tròn nhờ ăn những mài lúa rơi rụng xuống ruộng ngoài đồng. Lấy một cọng sống lá dừa xiên ngang thân tôm tươi mỗi xâu chừng 5-6 con. Nếu tẩm được gia vị càng tốt, bằng không cứ để thế nướng trên lửa rơm, vỏ tôm táp cháy nhưng thịt tôm vẫn đỏ mềm, chấm ăn với nước mắm me sền sệt chua, ăn cả phần đuôi bởi nó cũng giòn tan thơm lựng.

+ Lươn om lá nháo

Còn một món ngon Nam Bộ Xưa nữa là lươn om lá nháo, giống lá có vị thuốc trị đau lưng nhưng để ăn thì phải chọn loại không già không non lót vào đáy nồi đất nung. Lươn cắt khúc xếp vào nồi cho mộc nhĩ, hành củ, miến sợi nêm đủ gia vị rồi đổ xâm xấp nước cốt dừa lên trên bắc lên bếp đun liu riu, um lâu mau tuỳ ý. Món ăn kèm là bún và nước mắm nhĩ dầm ớt tươi.

+ Bưởi Tân Triều

Đất Đồng Nai cũng rất giàu hoa trái, gần như quanh năm đều có trái cây, trong đó bưởi là thứ trái cây nổi tiếng nhất.

Bưởi Đồng Nai nhiều nhất ở làng Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu). Bưởi Tân Triều nổi tiếng trong nước và cả một số nước trên thế giới với vị chua ngọt dễ chịu, múi nhỏ mọng nước, có tác dụng tốt cho tim mạch. Ngày nay, du khách có thể theo tour, hoặc tự đến làng Tân Triều (tỉnh lộ 24, qua khỏi Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long 10 km) để được nằm nghỉ, cắm trại hay pichnic ngay trong vườn bưởi, và tự tay chọn hái những quả bưởi trĩu cành, để tận hưởng vị ngọt thanh của đường hòa tan trong múi bưởi – một vị ngọt mát nhẹ nhàng giúp cho tinh thần sảng khoái…

+ Chôm chôm, sầu riêng – hai thứ đặc sản của các vườn cây Long Thành, Long Khánh.

Quả chôm chôm vỏ dày, thịt trắng trong, ngọt mát. Sầu riêng là loại đắt tiền nhất trong các loại hoa quả Việt nam. Tên của loại quả này gắn liền với truyền thuyết về mối tình không thành của chàng hoàng tử láng giềng và cô gái Nam Bộ Việt Nam. Sầu riêng vỏ dày, cứng, có gai nhọn lởm chởm. Khi chín, chỉ cần dùng lưỡi dao tách nhẹ vào đường rãnh vỏ là thấy ngay những múi sầu riêng vàng ngà, óng ánh như được phết bơ.

Sau đây là toàn bộ thông tin về Đồng Nai do ACC cung cấp. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã theo dõi.

Tin liên quan

Việc tổng hợp tin tức trên website đều được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính.

Tôn trọng bản quyền tác giả luôn là phương châm của Website tổng hợp tin tức.

© Bản quyền thuộc về tác giả và nguồn tin được trích dẫn. © pCopyright 2023. Theme Tin mới Nóng.