12 ngôi chùa ở Hưng Yên có gì đặc biệt mà thu hút du khách thập phương?

12 ngôi chùa ở Hưng Yên có gì đặc biệt mà thu hút du khách thập phương?

Chùa Chuông

Địa chỉ: thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Chẳng cần phải đến xứ Huế mộng mơ để được chiêm ngưỡng kinh thành Huế mà ngay tại mảnh đất Hưng Yên cũng có một công trình kiến trúc đặc sắc được ví như phiên bản thu nhỏ của kinh thành Huế. Đó là chùa Chuông, hay còn được gọi với tên khác là Kim Chung Tự.

Chùa Chuông thuộc Quần thể di tích Phố Hiến nổi danh, được xây dựng từ thời Lê vào thế kỷ 15 và đã trải qua cuộc trùng tu lớn vào năm 1707. Du khách khi đến thăm chùa Hưng Yên này có thể thấy rõ nét cổ kính, kiến trúc và hoa văn thời Hậu Lê trên cổng Tam Quan. Đặc biệt, ngôi chùa hiện lưu giữ nhiều di cổ giá trị như tượng Phật, hoành phi, bia đá, đồ thờ, cây cầu đá xanh, hoành phi,…

Chùa Chuông được coi là 1 trong những ngôi chùa Hưng Yên mang kiến trúc Phật giáo Đại Thừa chuẩn nhất Việt Nam. Năm 1992, chùa Chuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật và đến nay, ngôi chùa là một trong 16 di tích thuộc di tích quốc gia.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-1
Chùa Chuông thuộc Quần thể di tích Phố Hiến nổi danh, được xây dựng từ thời Lê vào thế kỷ 15. Nguồn: Báo Lao động

Chùa Ông

Địa chỉ: thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Chùa Ông hay có tên gọi khác là Bản Tịch tự, là một ngôi chùa Hưng Yên có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, được xây dựng gần 1 thiên niên kỷ từ thời vua Lý Thần Tông. Ngôi chùa đã được sửa sang nhiều lần, đặc biệt dưới thời Lê Trung Hưng.

Chùa Ông có lối kiến trúc đậm phong cách nhà Lý, được bố trí hài hòa cân xứng theo kiểu chữ Tam bao gồm tiền đường, trung từ và hậu cung. Toàn bộ khung, cột của chùa đều được làm bằng gỗ lim, đẽo gọt cầu kỳ đầy tính nghệ thuật. Sân chùa còn có cây cổ thụ ngàn năm tuổi, mang vẻ hoài niệm cổ kính. Năm 2001, chùa Ông được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-2
Chùa Ông là một ngôi chùa Hưng Yên có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Nguồn: Tạp chí Kinh tế môi trường

Chùa Sùng Bảo

Địa chỉ: xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên

Chùa Sùng Bảo là số ít ngôi chùa Hưng Yên gắn liền với nhiều giai thoại, nổi tiếng nhất với truyền thuyết “tượng đất hóa vàng”. Theo tương truyền, trẻ con đi chăn trâu thường tự nặn đất thành các pho tượng, sau đó, qua một đêm mưa gió, người dân phát hiện pho tượng đất ấy đã hóa vàng ròng. Bức tượng được các cao tăng đặt tên là Đức Phật Bà Đồng Quân, thờ ở chùa Sùng Bảo. Tuy nhiên, hiện nay pho tượng này không còn, đã bị thất lạc trong những năm chiến tranh, giờ bức tượng Đức Phật Bà Đồng Quân thờ trong ngôi chùa chỉ còn là tượng đất, đài sen làm bằng gỗ.

Bên cạnh đó, còn có câu chuyện kỳ lạ nữa là chiếc giếng cổ không bao giờ cạn. Chuyện kể rằng, giặc phương Bắc trong lần đi xem long mạch phát hiện giếng này có năng lượng rất mạnh, triệt hạ nhiều lần nhưng đều không thành công, vứt bùa xuống cũng sủi mất tăm. Chiếc giếng linh thiêng này hiện vẫn ở khu vực chùa Sùng Bảo và được người dân địa phương gọi với cái tên là giếng Sủi.

Tham Khảo Thêm:  Cẩm nang du hí phố cổ Hà Nội ngày sang đêm vui quên sầu
chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-3
Chùa Sùng Bảo gắn liền với nhiều giai thoại, nổi tiếng nhất với truyền thuyết “tượng đất hóa vàng”. Nguồn: Báo Hưng Yên

Chùa Nôm

Địa chỉ: làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Chùa Nôm hay còn được gọi là Linh Thông cổ tự, là một trong những ngôi chùa Hưng Yên rất nổi tiếng. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, đời vua Chính Hòa, năm Canh Thân (1680).

Chùa Nôm sở hữu cổng Tam Quan lớn, cao nhất nhì Đông Nam Á. Và cho đến nay, sau khi trải qua hơn 500 năm, khu vực này vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Bên cạnh Tam quan, kiến trúc chùa Nôm cũng giữ được nguyên nét cổ kính, thanh tao. Ngôi chùa cũng sở hữu hơn 122 pho tượng đất nung với đa dạng kích cỡ lớn nhỏ khác nhau cùng nhiều hiện vật mang đậm giá trị lịch sử như văn khắc, bia đá và một số tư liệu quý khác,… Du khách đến đây sẽ bị thu hút bởi dáng vẻ thâm trầm, uy nghi của ngôi chùa.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-4
Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, đời vua Chính Hòa, năm Canh Thân (1680). Nguồn: Báo Tài nguyên môi trường

Chùa Thái Lạc – Chùa Hưng Yên có kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất Việt Nam

Địa chỉ: thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Chùa Thái Lạc được xây dựng từ thời Trần (1225-1400), theo kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” cùng hệ thống tượng được bài trí theo kiểu “Tiền thánh hậu phật”, tượng Tứ pháp được đặt lên trên tượng Phật. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Pháp Vân bởi bên cạnh việc thờ Phật, chùa còn thờ Thần Vân (thần Mây) – một trong bốn vị thần Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ).

Ngôi chùa Hưng Yên này là một trong ba công trình kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất Việt Nam. Điểm đặc biệt nhất của chùa chính là bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, có niên đại từ thời Trần và cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài chùa Thái Lạc ra thì chỉ có ở hai chùa nữa là chùa Bối Khê (Hà Nội) và chùa Dâu (Bắc Ninh) có bộ vì gỗ này. Với những giá trị kiến trúc tiêu biểu và độc đáo, chùa Thái Lạc được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2018.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-5
Chùa Thái Lạc được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2018. Nguồn: Báo Hưng Yên

Chùa Phố

Địa chỉ: đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Chùa Phố được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 bởi những người Hoa và người bản địa, có tên tự là Bắc Hòa Nhân Dân tự. Ngôi chùa đã trải qua nhiều cuộc trung tu, lần cuối vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Nhìn chung, ngôi chùa Hưng Yên này có lối kiến trúc theo kiểu trùng thềm điệp mái, kiến trúc Tam quan theo kiểu chồng diêm 8 mái. Chùa Phố gồm 6 gian chính nối liền nhau theo chiều dọc, tiếp giáp với chùa là 4 gian nhà tổ, kiến trúc theo kiểu kèo cầu quá giang, thông với sân trước.

Cho đến nay, ngôi chùa vẫn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: chuông đồng, hệ thống tượng Phật cổ, những bát hương được làm bằng đá, câu đối được sơn son thếp vàng, hệ thống các bức đại tự,… Năm 1992, chùa Phố được công nhận là Di tích quốc gia.

Tham Khảo Thêm:  Hằng hay hàng? Hàng ngày hay hằng ngày?
chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-6
Chùa Phố được xây dựng vào thế kỷ thứ 18, có tên tự là Bắc Hòa Nhân Dân tự. Nguồn: VOV

Chùa Cổ Am

Địa chỉ: thôn Đông Chiểu, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Chùa Cổ Am là ngôi cổ tự, được xây dựng từ rất lâu, nằm giữa một không gian rộng rãi, thoáng mát, thanh tịnh. Ngôi chùa đã qua nhiều đời trụ trì và sau khi được tu tạo thì hiện ngôi chùa đã trở nên khang trang và uy nghiêm hơn.

Ngôi chùa lưu giữ bộ mười pho tượng đức Phật A Di Đà tiếp dẫn dọc hai bên hồ nước – ngay trước cổng Tam Quan nhìn vào. Bên cạnh đó là các công trình: gian Chính điện Tam Bảo, gian nhà Tăng và Thiền đường. Khi đến chùa Cổ Am, du khách còn được chiêm ngưỡng tượng Ngài Quán Thế Âm cao hơn 13m được làm bằng đá nguyên khối. Hiện nay, ngôi chùa Cổ Am thanh bình là địa điểm tâm linh được nhiều du khách thập phương tìm đến, học về Phật, về cách sống chan hòa.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-7
Chùa Cổ Am nằm giữa một không gian rộng rãi, thoáng mát, thanh tịnh. Ảnh: sưu tầm

Chùa Phúc Lâm – Ngôi chùa Hưng Yên nổi tiếng với kiến trúc dát vàng

Địa chỉ: thôn La Mát, xã Phù ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên

Chùa Phúc Lâm hiện là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hưng Yên thu hút nhiều du khách tìm đến. Ngôi chùa còn được gọi là chùa vàng Thái Lan tại Việt Nam vì không mang dáng vẻ thường thấy của chùa cổ Bắc Bộ mà được thiết kế với kiến trúc dát vàng mang hơi hướng chùa Thái.

Khuôn viên chùa Phúc Lâm có 4 tòa tháp lớn dát vàng cùng nhiều pho tượng Phật lớn mang vẻ huyền bí và linh thiêng nhưng không kém phần thanh tịnh, an yên. Đặc biệt, ngôi chùa không chỉ là nơi cầu lộc, cầu tài, cầu bình an đầy linh thiêng của người dân địa phương mà còn là nơi lý tưởng cho những ai thích sống ảo với nhiều góc check-in ảo diệu.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-8
Ngôi chùa được gọi là chùa vàng Thái Lan tại Việt Nam vì kiến trúc dát vàng mang hơi hướng chùa Thái. Nguồn: Wecheckin

Chùa Hương Lãng

Địa chỉ: Thôn Chùa, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Chùa Hương Lãng có tên ban đầu là Thạch Quang Tự, sau đến nay gọi là Viên Giác Tự, là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý (năm 1115) với cấu trúc bằng đá, có cấu tạo hình thù độc đáo mang đậm dấu ấn của nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý bấy giờ và có hướng chính là hướng Nam nhìn ra sông Lạng. Ngôi chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Bà được mệnh danh là người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà dưới thời nhà Lý và là người có công xây dựng lên ngôi chùa này.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hương Lãng vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm vốn có, lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu mang đặc trưng kiến trúc nghệ thuật thời nhà Lý như cột đá, sấu đá và đặc biệt là tượng sư tử bằng đá (người dân địa phương thường gọi là ông Sấm).

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-9
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hương Lãng vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm vốn có. Ảnh: sưu tầm

Chùa Lạc Thủy

Địa chỉ: thôn Lạc Thủy, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

Chùa Lạc Thủy được khởi công xây dựng từ cuối thế kỷ 15 cho tới thế kỷ 17, và sau đó được cải tạo lại vào năm 1934. Ngôi chùa được xây theo lối kiến trúc hình chữ Đinh gồm có 5 gian: 1 gian Tiền đường và 4 gian Hậu cung. Nằm trên xà ngang của gian thứ nhất, du khách có thể thấy được một y môn gỗ được người xưa chạm khắc hoa văn rất tinh tế với lớp sơn màu mận chín vô cùng rực rỡ. Gian nhà thứ hai thì được đặt bệ thờ đá, còn hai gian còn lại lần lượt được đặt lên bệ thờ tượng Phật, và là nơi đặt đồ tế.

Tham Khảo Thêm:  Đầu số 0120 là mạng gì? Đầu số 0120 đổi thành gì?

Bên cạnh đó, chùa Lạc Thủy còn có cả nhà Tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ được trang trí rất rất đồ sộ với 36 pho tượng. Đặc biệt là ở nhà Tam bảo hiện còn lưu giữ một sập đá từ thời nhà Trần, tất cả được chế tạo từ loại đá xanh quý hiếm. Ngoài ra, chùa còn đang lưu giữ một bộ bát bửu quý và một vài đạo sắc phong của các triều đại vua phong kiến đã ban tặng. Vào năm 1988, ngôi chùa Hưng Yên này đã được nhà nước cấp tặng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-10
Năm 1988, chùa Lạc Thủy đã được nhà nước cấp tặng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: sưu tầm

Chùa Hiến

Địa chỉ: đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Theo tương truyền, chùa Hiến được xây dựng dưới thời vua Trần Thái Tông, do chính Tô Hiến Thành, quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng. Sau đó, chùa được trùng tu lại trong khoảng thời gian khá dài từ năm 1625 đến năm 1709. Năm 1992, ngôi chùa có tên trên bảng xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Năm 2012, chùa Hiến xác nhận kỷ lục là ngôi chùa có cây nhãn tổ đầu tiên tại Việt Nam.

Chùa Hiến có bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiên hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối. Chùa Hiến có rất nhiều điểm thú vị cho du khách thập phương khám phá. Đầu tiên là giữa vườn chùa có cây nhãn lồng tiến vua ngày xưa. Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng cả nước là thơm lừng và ngon ngọt. Tiếp theo là chùa có 2 tấm bia đá Thiên ứng tự – Tân tự trùng tu thạch bi ký và Thiên ứng tự – bi ký công đức tùy hỷ. Đây là tư liệu vô cùng quý giá về Phố Hiến mà thế hệ ông cha ta để lại.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-11
Chùa Hiến được xây dựng dưới thời vua Trần Thái Tông, do chính Tô Hiến Thành, quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng. Nguồn: Zoom Travel

Chùa Đống Cao – Chùa Hưng Yên cổ kính bậc nhất

Địa chỉ: Khu đô thị Đại học Phố Hiến, Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên

Chùa Đống Cao cũng là 1 trong những ngôi chùa Hưng Yên cổ kính bậc nhất, được xây dựng cách đây 358 năm, từ thời Lê Trung Hưng. Ngôi chùa mang vẻ đẹp thanh tịnh thuần Phật giáo với lối kiến trúc đậm chất Việt Nam.

Ngôi chùa cũng đã trải qua một số lần tu sửa. Vào năm 2010, nhiều hạng mục công trình đã được tôn tạo như Nhà thờ Tổ, cổng Tam quan, Giảng đường, Nhà khách, Thư viện, các công trình phụ trợ… Đặc biệt, năm 2014, nhà chùa đã xây dựng Đại Bảo tháp An Viên, có kiến trúc hình chóp gồm 13 tầng, mỗi tầng có hình lục giác đều. Bên trong tòa tháp có 77 pho tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền bằng đá.

chua-hung-yen-tiep-thi-gia-dinh-12
Chùa Đống Cao mang vẻ đẹp thanh tịnh thuần Phật giáo với lối kiến trúc đậm chất Việt Nam. Ảnh: sưu tầm

Trên đây là top 12 ngôi chùa Hưng Yên nổi tiếng bậc nhất cả nước. Những địa điểm này không chỉ nổi tiếng về những giá trị lịch sử, văn hóa, mà còn sở hữu khung cảnh nên thơ, uy nghiêm, thanh tịnh. Nếu có cơ hội đến Hưng Yên, bạn đừng bỏ qua những địa điểm du lịch tâm linh phía trên nhé!

Tin liên quan

Việc tổng hợp tin tức trên website đều được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính.

Tôn trọng bản quyền tác giả luôn là phương châm của Website tổng hợp tin tức.

© Bản quyền thuộc về tác giả và nguồn tin được trích dẫn. © pCopyright 2023. Theme Tin mới Nóng.