Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2021)

Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

(30/4/1975- 30/4/2021)

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, TẦM VÓC THỜI ĐẠI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta tuy phải trải qua quá trình chiến đấu lâu dài và hết sức gian khổ, “phải hy sinh nhiều của, nhiều người”, cuối cùng đã giành được thắng lợi, thực hiện trọn vẹn mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ; từ đó đến nay, thế giới có biết bao đổi thay và biến động, nhưng âm hưởng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn vang mãi. Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất với 222 tháng, ác liệt nhất từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai. Từ 1954-1975, đế quốc Mỹ đã triển khai ở Việt Nam 4 chiến lược chiến tranh, đó là “Chiến tranh một phía”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”, do 5 đời tổng thống kế tiếp nhau quyết tâm thực hiện. Để thực hiện được mưu đồ của mình, đế quốc Mỹ đã đưa vào nước ta 540.000 quân Mỹ và 72.600 quân đồng minh (Nam Triều Tiên: 50.000, Thái Lan: 13.000, Ốtxtrâylia: 7.000; Philíppin: 2.000, Niu Dilân: 600) làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân Sài Gòn. Riêng về quân đội Mỹ, chúng đã huy động lúc cao nhất tới 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân. Nếu tính cả số quân đóng ở nước ngoài tham chiến và hỗ trợ ở Việt Nam thì quân số lên tới 800.000 quân. Mỹ đã huy động 6.600.000 lượt lính Mỹ tham gia, ném xuống chiến trường Đông Dương 7,5 triệu tấn bom, gấp 3 lần số bom Mỹ dùng trong chiến tranh Thế giới thứ hai (2,1 triệu tấn), gấp 47 lần số bom Mỹ ném xuống Nhật Bản (160.80 tấn) và hơn 10 lần số bom Mỹ ném xuống Triều Tiên (698.000 tấn); tiêu tốn 676 tỷ đô la (trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã tiêu tốn 54 tỷ đô la; trong chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ tiêu tốn 341 tỷ đô la”[1]. Để thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ huy động tới 22 xí nghiệp với gần 6 triệu công nhân công nghiệp, hơn 1/3 các nhà khoa học và 260 trường đại học tham gia vào nghiên cứu chiến lược chiến tranh, chế tạo, sản xuất các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh”[2].

Đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh bằng tất cả sức mạnh của chúng, huy động mọi lực lượng có thể huy đông được, phát huy tối đa sức mạnh của lục quân, không quân, hải quân, sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, vũ khí tối tân nhất (trừ vũ khí hạt nhân). Tin tưởng vào bộ máy chiến tranh hùng hậu đó, Cốtlốt Limai – viên tướng không quân Mỹ đã tuyên bố: “Không quân là quyết định. Không quân là công cụ chiến thắng. Bằng không quân, chúng ta có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào trên thế giới này. Bắc Việt Nam hãy sờ lên gáy, nếu không chúng ta sẽ ném bom tàn phá tan hoang, đẩy lùi Bắc Việt Nam về thời đại đồ đá. Dưới bom đạn Mỹ, Bắc Việt Nam không chịu nổi vài tuần”[3]. Còn Oétmolen – Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, cũng không úp mở, đe dọa: “Chúng ta sẽ tiếp tục làm cho họ phải đổ máu tới mức hàng mấy thế kỷ phải chịu thảm họa dân tộc”[4].

Tham Khảo Thêm:  Levosulpiride-Induced Neurological Adverse Effects: A Prospective Study from a Tertiary Care Center

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam còn gặp những khó khăn gấp bội phần khi diễn ra trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp. Một số Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa có quan điểm khác với Đảng ta về con đường cách mạng Việt Nam.

Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, với tiềm lực kinh tế và quân sự, lại diễn ra trong bối cảnh quốc tế có những bất lợi cho Việt Nam; đế quốc Mỹ chắc mẩm có thể khuất phục được nhân dân ta, nghiền nát Việt Nam trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, tất cả mọi âm mưu và thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ đã hoàn toàn bị đánh bại.

Vượt qua thời kỳ khó khăn từ 1954-1959, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15(13-1-1959), phong trào Đồng Khởi của nhân dân ta trong những năm 1959-1960 diễn ra rầm rộ khắp miền Nam đã làm thất bại chiến lược “chiến tranh một phía”. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã tạo bước ngoặt, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thực hiện nghị quyết Đại hội III (9-1960), Chỉ thị của Bộ Chính trị (1-1961), (2-1962), chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (12-1963), quân và dân ta tiến hành đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, tiến hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược đã đánh bại quốc sách “ấp chiến lược”, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Năm 1965, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ phát triển lên một bước mới. Một mặt, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh, chư hầu tiến hành “chiến tranh Cục bộ” ở miền Nam; mặt khác, tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt bằng hải quân và không quân đối với miền Bắc. Cách mạng nước ta đứng trước một thử thách vô cùng cam go. Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3-1965), chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (12-1963), hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ chí Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước ra quân với khí thế hào hùng, lần lượt đập tan các cuộc phản công chiến lược của Mỹ ở miền Nam trong hai mùa khô 1965-1966,1966-1967; đồng thời, giáng trả mãnh liệt những cuộc đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc đã mở ra triển vọng to lớn cho cách mạng miền Nam, đẩy quân Mỹ vào “đường hầm không có lối thoát”.

Để đưa cách mạng miền Nam tiếp tục tiến lên, các hội nghị Bộ Chính trị cuối năm 1967, đặc biệt là Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967 quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến lên giành thắng lợi quyết định bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào tất cả các đô thị miền Nam, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng trên cả ba vùng chiến lược, lấy đô thị làm trọng điểm.

Thắng lợi của quân và dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc, đặc biệt là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Với bản chất ngoan cố, không chấp nhận thất bại, từ năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang thi hành “học thuyết Níchxơn” và “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc tập kích chiến lược B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari ngày 27-1-1973, cam kết rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Và khi thời cơ đến, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, sau 55 ngày đêm chiến đấu quyết liệt với tinh thần “thần tốc, bất ngờ, chắc thắng”, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trải qua 21 năm chiến đấu, quân và dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khẳng định một chân lý, trong thời đại ngày nay, một dân tộc đoàn kết nhất trí và đấu tranh kiên cường dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác – Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược, dù đó là những đế quốc đầu sỏ.

Tham Khảo Thêm:  Hướng dẫn cách giải tán nhóm Zalo cực đơn giản

Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[5].

Đối với nhân dân ta, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trang sử chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa nước ta bước hẳn vào kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này, đã “mở ra một bước ngặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viến ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viện độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”[6].

Đối với đế quốc Mỹ, đây là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt đi xuống của đế quốc Mỹ, của nền quân sự Mỹ. Báo Pháp Le Figaro ra ngày 19-4-1975 đã đánh giá: “Kể từ một thế kỷ nay, lần đầu tiên không phải lịch sử đi theo đường lối Hoa Kỳ, mà Hoa Kỳ phải đi theo trào lưu của lịch sử”[7]. Báo Pháp Le Figaro ra ngày 3-5-1975 tiếp tục khẳng định: thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là “Thất bại nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử 200 năm của Hoa Kỳ”[8]. Mỹ thua ở Việt Nam không chỉ thua một cuộc chiến, mà còn chịu một thất bại có ý nghĩa toàn cầu. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Sơlenxinhgơ đã phải kêu lên: “Đây là một bước thụt lùi hết sức nghiêm trọng đối với chính sách Mỹ”, “một sự thất bại có tầm lịch sử và bi đát”[9].

Tổng thống Mỹ Níchxơn phải chua chát thú nhận “Tấm thảm kịch Việt Nam đã làm tổn thương nước Mỹ, làm tổn hại chúng ta trong con mắt bạn bè nước ngoài, hạ thấp chúng ta trong con mắt đối phương. Nhưng nó làm tổn thương chúng ta nhiều nhất ở trong nước. Sự thất bại của chúng ta ở Việt Nam làm hổ thẹn một nước mà không mấy khi thất bại”[10].

Đối với thế giới, là một bộ phận của cách mạng thế giới, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi chung của nhân dân thế giới. Đánh giá về tác động của thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chỉ rõ: “Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đầu sỏ chĩa vào lực lượng cách mạng kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của chủ nghĩa xã hội, phá vỡ phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộ chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng của thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người trên trái đất đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”[11]

Tham Khảo Thêm:  Que thử thai dùng khi nào mới chính xác nhất? Điều hiếm ai biết

Chủ tịch Cu Ba Phiđen Caxtơrô đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là “một trong những chiến công oanh liệt vĩ đại nhất của loài người”, “một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười, sau chiến thắng chủ nghĩa phát xít”[12]. Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành khẳng định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “là thắng lợi chung của tất cả nhân dân cách mạng trên thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức”[13].

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là niềm tự hào, là một trong các thiên hùng ca vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc, một sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế và mang tính thời đại sâu sắc.

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong 46 năm qua, đặc biệt 35 năm đổi mới “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”[14].

Bên cạnh những thuận lợi, thành quả đạt được, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên thế giới, tình trạng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn biến phức tạp. Tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt, trong đó khu vực biển Đông là điểm nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia. Một số nước lớn vẫn gây áp lực với các nước khác bằng các biện pháp kinh tế tài chính, thương mại, công nghệ và cả đe dọa sử dụng vũ lực; lợi ích và độc lập, chủ quyền của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn luôn đứng trước nguy cơ bị xâm phạm. Những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố… diễn biến phức tạp, đòi hỏi các quốc gia phải chia sẻ nguồn lực và trách nhiệm cùng cộng đồng thế giới.

Ở trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN; hơn lúc nào hết, cần tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,…

Trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiếp tục là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, là hành trang vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, lập nên những kỳ tích mới, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực III

Tin liên quan

Việc tổng hợp tin tức trên website đều được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính.

Tôn trọng bản quyền tác giả luôn là phương châm của Website tổng hợp tin tức.

© Bản quyền thuộc về tác giả và nguồn tin được trích dẫn. © pCopyright 2023. Theme Tin mới Nóng.