Sức sống mới trên quần đảo Thổ Châu

Xã Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, có diện tích khoảng 14km2, gồm tám đảo lớn, nhỏ. Thổ Châu cách phía nam đảo Phú Quốc hơn 100km và cách thành phố Rạch Giá – trung tâm tỉnh Kiên Giang khoảng 220km. Nơi đây có hòn Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam.

Quần đảo cuối cùng được giải phóng

Theo tư liệu lịch sử, cuối tháng 4/1975, trước sự tấn công của quân ta, lực lượng hải quân Việt Nam cộng hòa đóng trên quần đảo Thổ Châu tháo chạy, bỏ người dân bơ vơ trên đảo. Lúc bấy giờ, ước tính có khoảng 500 người, đa số là người Kinh gốc Rạch Giá và bốn gia đình người Khmer.

Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, bộ đội ta chưa kịp tiếp quản quần đảo Thổ Châu thì ngày 10/5/1975, chính quyền Khmer đỏ cho một tiểu đoàn đổ bộ lên đảo và bắt hơn 500 người dân dẫn đến đảo Poulo Wai (thuộc Campuchia) sát hại. Chúng lập bộ máy chính quyền, xây hầm hào, tuyến công sự phòng thủ. Trước đau thương, mất mát này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân, Quân khu 9 đánh và giải phóng quần đảo Thổ Châu. Ðêm 23/5/1975, tàu hải quân chở gần 200 chiến sĩ từ Phú Quốc ra Thổ Châu; rạng sáng ngày 24/5/1975, bộ đội ta tập kích Bãi Dong, tấn công vào các khu vực khác. Một ngày sau đó, ta giải phóng đảo Thổ Chu, diệt và bắt sống hơn 500 lính Khmer đỏ. Ðến trưa cùng ngày, quần đảo Thổ Châu hoàn toàn được giải phóng.

Sau trận thảm sát kinh hoàng ngày 10/5/1975, người dân sống sót trên đảo còn rất ít. Chúng tôi tìm hiểu được biết, sau 48 năm hầu hết những người còn sống sót sau ngày đen tối ấy đều không còn, số ít chuyển nơi khác sinh sống. Phần lớn người sống lâu năm trên xã đảo ngày nay là đảng viên, người dân từ đất liền ra sau năm 1992 theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc đưa người ra quần đảo định cư ngày 27/4/1992.

Ông Huỳnh Bình Khởi (thường gọi Tư Bình) là một trong bảy hộ đầu tiên dẫn vợ con mang theo niềm tin và hy vọng lập nghiệp nơi đảo xa. Ðặt chân lên quần đảo Thổ Châu cuối tháng 4/1992, lạ chỗ, gia đình ông ăn nhờ ở đậu trong doanh trại bộ đội. “Lúc đó, bà con tối lửa tắt đèn có nhau. Mới ra ít hôm, có một phụ nữ sinh con, rồi một số bà lo chuyện sinh nở, bộ đội thì cấp thuốc men, bông gòn. Tên bé gái được sinh ra chúng tôi bàn với nhau đặt tên Danh Ngọc Châu, trùng tên xã Thổ Châu để đánh dấu quá trình định cư ở đây”, ông Tư Bình kể.

Tham Khảo Thêm:  Tuổi 1989 kỷ tỵ làm nhà năm 2024 tháng nào tốt

Ông Huỳnh Hữu Hiệp cùng vợ, hai con và 35 hộ gia đình khác ra Thổ Châu lập nghiệp tháng 2/1993. Lúc đó ở đây chỉ có vài chục hộ dân, rất hoang sơ, điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hằng ngày người dân chỉ việc dọn cỏ trồng cây, gạo thì có bộ đội cho, cá mực nhiều vô kể. “Những ngày đầu ở đảo, bà con rất buồn và sợ.

Từ 9 giờ tối trở đi, máy phát điện ngưng phát, kèm theo đó là giông to gió lớn, phụ nữ, trẻ em sợ hãi không thể ngủ được. Thông thường mỗi tháng có một chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu, nhưng khi biển động ba tháng mới có một chuyến. Nhiều lần vợ tôi khuyên bỏ đảo về đất liền sống, nhưng tôi quyết tâm đã ra đây rồi thì chết cũng phải chôn cất tại đây”, ông Hiệp nói. Ðã 30 năm trôi qua, giờ ông Hiệp luôn xem Thổ Châu là quê hương thứ hai của gia đình mình. Những ngày đầu thành lập xã Thổ Châu, ông là Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã, vợ ông là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Hiện, ông là Bí thư chi bộ, trưởng ấp Bãi Ngự, người con lớn là cán bộ xã đảo Thổ Châu, con út là Thiếu tá công an.

Vững vàng nơi tiền tiêu

Qua nhiều biến cố, ngày 24/4/1993, xã Thổ Châu được tái lập, thuộc huyện Phú Quốc (thành phố Phú Quốc ngày nay). Xã có một ấp lấy tên Bãi Ngự, tám tổ tự quản.

Trong số tám đảo, chỉ có đảo lớn Thổ Chu phù hợp để người dân sinh sống, định cư lâu dài. Ðảo Thổ Chu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh, là nơi đặt trung tâm hành chính xã Thổ Châu.

Ðược ông Hiệp bật mí, đến Thổ Châu phải ra hòn Nhạn để biết cột mốc chủ quyền quốc gia, chúng tôi nhờ cán bộ Ðồn Biên phòng Thổ Châu đưa đi tham quan hòn Nhạn, có diện tích khoảng 2.000m2, cao 40m so với mực nước biển. Tuy là đảo nhỏ nhưng nơi đây có ý nghĩa quan trọng khi được biết đến là điểm A1 trên đường cơ sở để tính lãnh hải Việt Nam.

Tham Khảo Thêm:  Tổng hợp 3+ cách tắt laptop Windows 7, 8, 10 hiệu quả, nhanh chóng

Năm 2017, mốc chủ quyền quốc gia ghi tọa độ A1 trên hòn Nhạn được khánh thành và bàn giao cho Bộ đội Biên phòng Kiên Giang quản lý, bảo vệ. Cán bộ biên phòng giải thích: Nơi đây trước kia không có cây xanh, chỉ toàn là bụi cỏ và đá trắng xếp chồng lên nhau, tạo thành nhiều hang cạn làm nơi trú ngụ cho loài chim nhạn nên người ta đặt là hòn Nhạn.

Tháng 6 âm lịch hằng năm, chim nhạn về đây, con cái đẻ từ một đến hai trứng trên tảng đá trơ trọi hoặc trong hốc đá. Hết mùa sinh sản chúng đi nơi khác sinh sống, tới mùa sau lại về. Trên hòn Nhạn ngày nay xuất hiện một số mảng xanh, đó là công sức của chiến sĩ Ðồn Biên phòng Thổ Châu. Họ cần mẫn mang loại cây phù hợp nắng, gió, môi trường khô hạn ra đảo trồng. Mỗi đợt tuần tra, các chiến sĩ mang theo từng can nước ngọt để tưới cho từng gốc cây, nay có những cây cao gần bằng đầu người.

Từ trung tâm xã Thổ Châu ở Bãi Ngự, chúng tôi sang Bãi Dong – nơi có nhiều bè cá được nuôi trên biển. Ðến bè cá bớp của ông Trịnh Minh Khanh (55 tuổi), được biết, cá bớp hiện có giá hơn 200.000 đồng/kg; hai bè với tám lồng của ông thu hoạch khoảng 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 500-600 triệu đồng/vụ nuôi. Theo ông Khanh, do nguồn cá tạp ở đây rẻ, dồi dào làm thức ăn cho cá bớp nên người dân nuôi lợi nhuận cao.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thổ Châu Ðỗ Văn Dừng cho biết, toàn xã hiện có 549 hộ gia đình với khoảng 1.900 người. Ngư nghiệp là kinh tế mũi nhọn của xã đảo, với 46 hộ nuôi 52 bè cá; 66 tàu công suất từ 8-24CV; năm 2022, sản lượng khai thác, nuôi hải sản các loại đạt 150 tấn. Hoạt động thu mua, chế biến cá, mực quy mô 850 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. “Những năm qua, nhờ điện, đường, trường, trạm được cấp trên đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, mua bán, phát triển kinh tế.

Thổ Châu hiện nay có điện phát 24/24 giờ; 100% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn; hộ nghèo giảm còn 1,46% (tám hộ nghèo). Từ 14 học sinh ban đầu, nay xã đảo có hơn 300 học sinh ở ba cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thế hệ trẻ sinh ở những năm mới thành lập xã, sau khi học hành cơ bản, nhiều người quay về phục vụ tại đây”, ông Dừng vui mừng thông tin.

Tham Khảo Thêm:  Mơ thấy máu kinh là điềm gì? Đánh con gì? Edytuj profil Zmień hasło

Những ngày người dân mới ra định cư, Trung đoàn 152, Quân khu 9 (tiền thân là Trung đoàn Thổ Chu, Vùng 5 Hải quân) chia sẻ với dân từ ký gạo, bó rau cho đến can dầu. Lúc này xã đảo chưa có bệnh xá, trường học, bộ đội dạy học cho các cháu, tiếp nhận và điều trị bệnh cho người dân không kể ngày đêm. Ngày nay, Trung đoàn 152 cùng nhân dân kiên cường bám đảo, tích cực sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trung tá Vũ Quang Vịnh, Chủ nhiệm Hậu cần, Trung đoàn 152 cho biết, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ chiến sĩ tại đây còn tăng gia sản xuất. Khu tăng gia sản xuất của đơn vị có tổng diện tích 10.000m2, không chỉ đáp ứng đủ thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ mà còn bảo đảm lương thực trên toàn xã Thổ Châu, kể cả lúc biển động tàu thuyền không vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra được.

Ðược mệnh danh là “viên ngọc thô” của Kiên Giang, Thổ Châu có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, bởi giữ nguyên được nét hoang sơ vốn có. Nhìn từ xa, Thổ Châu đắm mình trong mầu xanh của rừng nguyên sinh bao trùm. Rừng chiếm 80% diện tích quần đảo, với hệ thực vật trên 200 loài. Bờ cát trắng mịn trải dài ở Bãi Ngự ôm ấp màu nước biển trong xanh quyến rũ. Ðảo xa còn có công trình văn hóa, tâm linh là đền thờ Thổ Châu được xây dựng vào năm 2011, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ hy sinh trong bảo vệ và xây dựng đảo, cũng là nơi tưởng niệm hơn 500 người dân vô tội bị quân Khmer đỏ giết hại.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Thổ Châu sau một đêm giao lưu đậm nghĩa tình giữa đất liền với hải đảo, chúng tôi ấn tượng với quyết tâm xây dựng và bảo vệ đảo của ông Huỳnh Hữu Hiệp, “đã ra đảo rồi thì già chết cũng chôn cất tại đây”. Ðó còn là ước vọng của lãnh đạo xã Thổ Châu Ðỗ Văn Dừng về một ngày không xa, đảo và đất liền gần nhau hơn: Nhờ cấp trên quan tâm điều chỉnh rút ngắn thời gian tàu chạy từ Phú Quốc ra Thổ Châu từ 5 ngày/chuyến còn 3 ngày/chuyến để phù hợp với lượng khách ra vào đảo, cũng như phục vụ quân, dân và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương… ■

Tin liên quan

Việc tổng hợp tin tức trên website đều được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính.

Tôn trọng bản quyền tác giả luôn là phương châm của Website tổng hợp tin tức.

© Bản quyền thuộc về tác giả và nguồn tin được trích dẫn. © pCopyright 2023. Theme Tin mới Nóng.